Ngày 18 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2022 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh khu vực phía Nam và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Hình ảnh hội nghị
Theo báo cáo khảo sát, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm 42% tổng doanh thu ngành bán hàng đa cấp trên thế giới, tiếp đến là khu vực Châu Mỹ chiếm 36%, khu vực Châu Âu chiếm 21% và khu vực Châu Phi-Trung Đông chiếm 1%. Tại Việt Nam, năm 2022 cả nước có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng doanh thu 21.110 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, đa phần tập trung tại các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam chiếm 38,26%, Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam chiếm 20,16%, Công ty TNHH Amway Việt Nam chiếm 12,33%; tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước là 2.434 tỷ đồng. Hàng hóa kinh doanh chủ yếu là thực phẩm chức năng (89,04%), mỹ phẩm (7,38%), còn lại là quần áo, thời trang, thiết bị, đồ gia dụng và mặt hàng khác. Cả nước có 962.310 người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có 592.648 người có hoạt động, phát sinh hoa hồng, riêng tại tỉnh Sóc Trăng, có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương với tổng doanh thu 59 tỷ đồng và 5.445 người tham gia bán hàng.
Nhìn chung, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu gia nhập thị trường. Doanh thu của ngành hàng đa cấp tiếp tục có xu hướng tăng và tập trung ở một nhóm doanh nghiệp lớn. Số lượng người tham gia mới và chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp vẫn có sự biến động lớn, tập trung ở một số doanh nghiệp có số lượng người tham gia lớn như Herbalife, Oriflame, New Image, Amway,…Tỉ lệ người tham gia có thực hiện hoạt động bán hàng tiếp tục có xu hướng tăng, đồng thời số lượng người chỉ ký hợp đồng để hưởng mức chiết khấu ưu đãi có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, nhiều địa phương (trong đó có tỉnh Sóc Trăng) doanh nghiệp không có trụ sở tại tỉnh hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát; một số doanh nghiệp có người đại diện ủy quyền tại địa phương nhưng không nắm được tình hình hoạt động của công ty và không cung cấp được thông tin cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; hiệu quả công tác tuyên truyền đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do ý thức, tâm lý người dân; các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép như kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức đa cấp vẫn đang diễn biến phức tạp, đồng thời chuyển dần sang hình thức trực tuyến, các đối tượng hoạt động tinh vi, tổ chức hội thảo kín để chia sẻ, kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia, tuy nhiên các đối tượng này chỉ hoạt động một thời gian ngắn khi đã đoạt được tiền với số lượng lớn thì ngừng hoạt động, không trụ sở, không văn phòng,…gây khó khăn trong công tác thu thập thông tin, tài liệu phục vụ xác minh làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng.
Trong thời gian tới, để công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp đạt hiệu quả cao, từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, tập trung vào các hình thức có phạm vi tác động rộng, người dân dễ tiếp cận, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động tuyên truyền phổ biến tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền.