Người tiêu dùng (NTD) nước ngoài, nếu biết những chuyện sau đây ở Việt Nam, chắc phải kêu trời: "Sao phải nhẫn nhịn thế?":
Ở nhiều khu vực TP.HCM, khách hàng của HCTV và SCTV cứ bật TV xem truyền hình cáp 1 buổi là phải chườm mắt cả đêm.
Còn ở Hà Nội, không ít chủ thuê bao điện thoại sững sờ bị cắt xoẹt điện thoại, internet, rồi lui cui đến bưu điện nộp tiền để được nối lại đường dây.
Nhiều thuê bao khác chấp nhận cảnh vô vọng tra soát đúng-sai cước điện thoại, chấp nhận lý do... bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ.
NTD chịu nhịn ở Việt Nam có thể tính đến hàng triệu, có thể gặp mọi lúc, mọi nơi. Hàng trăm người nhẫn nại xếp hàng chờ hoàn tiền ATM "hụt két". Hàng chục người đại diện cơ quan đi lại 6 tháng chưa đóng nổi BHXH. Những khu dân cư Thủ đô chấp nhận cảnh "điện đèn dầu". Những khách hàng bị cuốn theo "cơn lốc khuyến mại gấy "sốc" rồi bị người bán "xù" quà, đi bảo hành máy tính bị ôm hàng lặn mất tăm, đi mua hàng "xịn" trong siêu thị phải hàng Tàu, hoặc để nhận được thư EMS, phải đợi 7 ngày, alô 30 cuộc.
Phản ứng tức giận của NTD Việt Nam chẳng cho kết quả, khi mà họ không được cơ quan chức năng và pháp luật hỗ trợ. Và nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ cứ việc trơ trơ với những tuyên ngôn "dồn thiệt" cho khách hàng. Bếp ga Malaysia "made in China" được giải thích là in nhầm nhãn phụ. Trả nhầm gần 277 triệu đồng tiền tiết kiệm của khách hàng cho trộm, ngân hàng NN-PTNT nói rằng đã ra quy định, "người gửi tiền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Honda VN, trước dư luận sôi sục về xe loạn giá, từ chối đối thoại với hàng triệu NTD, khẳng định tiếp tục cung cách bán hàng chỉ qua các HEAD.
Ở Việt Nam, chưa từng có vụ kiện nào liên quan vi phạm quyền lợi NTD. Chưa có DN gian dối nào bị đưa ra ánh sáng pháp luật, dù hành vi xâm hại quyền lợi NTD đã rõ mười mươi.
Xăng chứa aceton gây hỏng động cơ gắn máy. Hãng taxi gian dối taximét. Nước tương chứa chất 3-MPCD gây ung thư. Sữa đóng hộp không đúng trọng lượng. Sữa tươi pha từ sữa bột. Nước mắm nhãn mác là nước mắm cá hồi Bắc Âu, sau phải cải chính lại là nước mắm hương cá hồi. Rau củ quả phun thuốc kích thích vô tội vạ. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan.
NTD Việt Nam vẫn bấm bụng ăn, lặng lẽ dùng. Phản ứng bùng nổ cao nhất của họ, cũng chỉ đến mức kêu gọi nhau tẩy chay hàng hoá, như với Honda VN.
Bùng nhùng công cuộc "giải cứu"
Tại một hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức năm 2008, các chuyên gia đều nhận định, người tiêu dùng VN đang bị chèn ép, trong khi những quyền đã được luật qui định, chưa nơi nào thực thi.
TS. Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng của cục này lấy ví dụ: Bộ luật Dân sự đã qui định rõ nhà sản xuất phải có trách nhiệm bảo hành và phải chịu chi phí cho người tiêu dùng khi họ mang hàng cần bảo hành đến cơ sở sửa chữa. Tuy nhiên, hiện hiếm có cơ sở nào chịu chi trả khoản này và người tiêu dùng cũng không ai biết để đòi.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng người tiêu dùng VN đang "gánh thiệt", là đang rất thiếu các chế tài để xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như cân, đong sai, thông tin về dịch vụ hàng hóa thiếu trung thực...
"Lợi dụng điều này, các nhà cung cấp dịch đã cài các điều khoản hoàn toàn bất lợi cho người tiêu dùng hợp đồng viết sẵn của các doanh nghiệp như điện, nước, thậm chí khi mua chung cư, mua xe máy, mua trả góp..." - ông Nguyễn Văn Cương, Viện Khoa học pháp lý cho biết.
Theo ông Cương, tại các nước khi người tiêu dùng khởi kiện hàng hóa kém chất lượng, họ không phải chứng minh mà trách nhiệm chứng minh sản phẩm phải thuộc nhà sản xuất. Các nước còn có tòa riêng chuyên xử miễn phí và nhanh chóng các khiếu kiện của người tiêu dùng".
Trong khi đó VN qui định người tiêu dùng phải chứng minh nên... không ai dám đi kiện vì không đủ khả năng theo hoặc "được vạ má đã sưng".
Thế là, trong khi chờ các cơ quan chức năng hoàn tất Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để trình Quốc hội thông qua vào năm 2010, người mua chỉ còn cách trông mong “lòng tốt” của người bán.
Trông người, ngẫm ta
Một điểm giao dịch bưu điện. Ảnh minh hoạ: B.D
Theo kết quả tổng điều tra ý kiến NTD trên phạm vi cả nước năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ NTD Việt Nam, 41% NTD Việt Nam không biết mình có quyền lợi gì, số còn lại... có biết cũng chả làm được gì.
Hầu hết NTD Việt Nam không biết về 8 quyền cơ bản của họ, vốn được cho là "quyền lực mềm" có thể làm "kinh thiên động địa" ở nước ngoài.
Đặc biệt, rất ít người biết cơ quan nhận khiếu nại tiêu dùng. Rằng Việt Nam có Ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) - cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD và Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ quyền lợi NTD - cơ quan đại diện tiếng nói NTD.
Ngay các cơ quan này cũng phải thừa nhận rằng nhiệm vụ chủ yếu của họ hiện vẫn là... hòa giải (vì không có quyền xử phạt). "Nếu là tổ chức, doanh nghiệp lớn, họ thấy sai thì họ đền bù để giữ uy tín, còn lại những người bán hàng đơn lẻ, cá thể cứ lì ra thì cũng chịu" - Trưởng ban Bảo vệ NTD Vũ Thị Bạch Nga cho biết.
Trong khi, ở nhiều nước trên thế giới, các vấn đề liên quan NTD không chỉ mang tính xã hội, tính nhân đạo, tính mục đích của sản xuất kinh doanh, mà còn mang màu sắc chính trị - khiến cho người dân chấp nhận hay không chấp nhận một hệ thống tư tưởng đạo đức.
Ông Alain Noguera, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, CH Pháp có Hiệp hội Bảo vệ NTD với hơn 500.000 thành viên. Họ có tờ báo riêng, có phòng thí nghiệm riêng. Và khi 1 DN bị phát hiện là gây tổn hại cho cộng đồng như ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện lao động tồi tệ... thì chính hiệp hội này sẽ đứng ra kêu gọi các thành viên có phản ứng cụ thể.
Ông Noguera cũng cho biết, NTD nước ông có một quyền lực mạnh mẽ, đó là quyền tẩy chay, không mua sản phẩm khi nhà sản xuất vì lợi nhuận mà gây tổn hại cho xã hội. Và họ rất biết cách sử dụng quyền lực đó để buộc các DN phải sửa đổi chính sách, thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội của họ.
Còn nhớ, tại Mỹ năm 1996 hãng Nike nổi tiếng bị NTD tẩy chay sản phẩm sau khi phát hiện hãng này sử dụng lao động trẻ em.
Tại Ấn Độ, từng diễn ra biểu tình phản đối tập đoàn nước ngọt toàn cầu Coca-Cola đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.
Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra, nhằm phản đối Công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá, súc vật và người. Cuộc biểu tình của NTD và sức ép của chính quyền đã buộc DN này phải bồi thường.
Còn tại Việt Nam, chưa có 1 tiền lệ DN phải ra toà vì hành vi gian dối, hoặc gây hại cho NTD, các ban, hội bảo vệ NTD hầu như không có tiếng nói đáng kể.
Đưa ra lời khuyên bảo vệ NTD Việt Nam, ông Bruno Lassere - Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh Pháp nói, phải làm cho DN sợ khi thực hiện các hành vi phản cạnh tranh vì sẽ phải chịu chế tài trừng phạt vô cùng nặng nề. Theo ông, VN nên bắt đầu bằng việc điều tra và xử lý một số vụ việc có hành vi phản cạnh tranh được công chúng biết đến nhiều nhất, nhất là trong lĩnh vực phân phối vì liên quan trực tiếp đến NTD.
Đó là những việc còn xa mới thực hiện được.
Còn với hiện tại, một người nước ngoài khác, ông Hank Baker, đại diện Dự án Star Việt Nam (dự án trợ giúp thúc đẩy thương mại, do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ USAID tài trợ ở Việt Nam) vẫn phải lắc đầu: “Tôi không thích là NTD Việt Nam!”.
Theo vietnamnet