MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31 THÁNG 5 NĂM 2024
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á[1]. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.2
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và thông qua việc sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá [2].
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khoẻ thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến4.
(nguồn internet)
1. Thực trạng sử dụng thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên toàn cầu và tác hại của việc sử dụng các sản phẩm này
Với thành phần có chứa chất nicotine, thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đã nhanh chóng gây nghiện trong giới trẻ. Thực tế cho thấy tại các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mặc dù có quy định quản lý chặt nhưng đã không có kết quả trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm này, cụ thể: Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THCS và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT.[3] Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021[4].
Tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%[5]. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023[6],9. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022[7], lên 8% năm 2023[8].
Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.[9] Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.[10]
Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và mức độ lan nhanh trong cộng đồng, cùng với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.
2. Các chiến lược phát triển thị trường, nhắm tới giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá trên toàn cầu
Nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty thuốc lá đang tích cực sử dụng các kênh truyền thông, trong đó kênh mạng xã hội được chú trọng để tiếp cận người sử dụng ở mọi lứa tuổi nhằm tạo ra những người hút mới, trong đó đặc biệt là nhằm vào giới trẻ. 150 triệu người trẻ, trong đó có 16 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đã tiếp cận với các thông tin quảng cáo về thuốc lá trên mạng xã hội.[11] . Một số cách tiếp cận giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá trên toàn cầu gồm:
- Tiếp thị sản phẩm bằng cách sử dụng các thiết kế, bao bì hấp dẫn với trẻ em dưới nhiều hình thức; Thêm các hương vị/mùi phổ biến hấp dẫn để thu hút trẻ em;
- Thực hiện tài trợ cho người nổi tiếng và cuộc thi của thương hiệu;
- Mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại tại các điểm bán hàng gần trường học;
- Sử dụng các nhóm “bề mặt” để làm cho việc quảng cáo, tiếp thị trở nên khách quan;
- Đẩy mạnh các chiến dịch/hoạt động nhằm thông tin một cách sai lệch tới cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách rằng thuốc lá mới ít hại hơn, an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường;
- Tiếp thị sản phẩm thuốc lá thông qua mạng xã hội và máy bán hàng tự động; Thực hiện các quảng cáo trả tiền trên các mạng xã hội[12]
- Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như: Hợp tác với các thương hiệu thể thao để quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và nicotine; Phối hợp tổ chức trong các lễ hội và âm nhạc; Phối hợp với những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và người sáng tạo nghệ thuật; Tìm cách ngăn cản các hành động/ văn bản pháp lý nhằm ngăn chặn hoặc trì hoãn việc ban hành/thực thi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.[13]
- Sử dụng đa dạng các hình thức như giảm giá, tổ chức các cuộc thi và khuyến mại quà tặng[14].
- Tạo hình ảnh trong các hoạt động quảng bá hình ảnh thông qua việc tài trợ cho các dự án môi trường và thực hiện các hoạt động có tên gọi là “trách nhiệm xã hội” (CSR) của doanh nghiệp trên toàn thế giới.
3. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước
Xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp, thực hiện các lệnh cấm tiếp thị trong nước và xuyên biên giới đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và nicotine, đồng thời tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định hiện có, bao gồm việc hợp tác với các chính phủ khác để xác định và loại bỏ hoạt động tiếp thị bất hợp pháp xâm nhập vào lãnh thổ mỗi nước.
Chính phủ các nước nên tăng cường các biện pháp thực thi cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện giải trí; hướng tới cấm hoàn toàn các hoạt động trách nhiệm xã hội của công ty thuốc lá.
Tăng cường bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm: thực hiện môi trường không thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet; tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.
Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe[15] vì có chất gây ung thư/thành phần gây ung thư và có nicotine là chất gây nghiện. Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người dân19.