SỞ CÔNG THƯƠNG SÓC TRĂNG KHẢO SÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CÔNG THƯƠNG 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
Để kịp thời nắm tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc ngành Công thương; những thuận lợi, khó khăn và các đề xuất kiến nghị của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng, Sở Công Thương đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch số 48/KH-SCT ngày 25/9/2024 về việc khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng.
Theo Kế hoạch số 48/KH-SCT, Lãnh đạo Sở Công Thương tổ chức 4 Đoàn công tác, mỗi Đoàn do một Lãnh đạo Sở làm Trưởng Đoàn, chia nhau đến làm việc với 11 Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, thị xã, thành phố. Cùng đi với Trưởng Đoàn là Lãnh đạo của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, qua đó, các bên trực tiếp trao đổi, chia sẻ các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, với những vấn đề chủ yếu, trọng điểm đã và đang thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2024, và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện nay, Đoàn 1, do Giám đốc Sở Công Thương làm Trưởng Đoàn, đã hoàn thành việc khảo sát 3 địa phương theo Kế hoạch số 48/KH-SCT, là Kế Sách, Vĩnh Châu và Trần Đề. Được sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương, cả 3 nơi đến của Đoàn 1, các buổi làm việc đều có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.
Hình ảnh Đoàn 1 đến làm việc với thị xã Vĩnh Châu
Qua quá trình làm việc, “Bức tranh công thương” trên địa bàn Kế Sách, Vĩnh Châu và Trần Đề đã hiện lên nhiều điểm sáng rõ nét. Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Thị ủy, Huyện ủy và UBND cấp huyện đối với lĩnh vực công thương và sự nỗ lực của công chức ngành Công Thương cấp huyện, qua 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu công thương đều tăng trưởng tốt; so với cùng kỳ năm trước, Giá trị sản xuất công nghiệp 3 địa phương tăng trưởng từ 8,42% đến 47,07% chủ yếu do có thêm doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của 3 địa phương tăng trưởng từ 8,46% đến 10,35%, chủ yếu do hiệu quả mang lại từ các hoạt động kích cầu tiêu dùng tại địa phương.
Hình ảnh Đoàn 1 đến làm việc với huyện Trần Đề
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại, hiện là những trăn trở, thách thức đối với lực lượng công chức ngành Công Thương cấp huyện, như: chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách lĩnh vực Công thương, cán bộ còn thiếu so với yêu cầu, còn kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực khác; tình hình quản lý, phát triển chợ còn nhiều khó khăn, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường giao thông từng lúc, từng nơi còn tái diễn; việc rà soát, thống kê, đánh giá năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể;.... Những đề xuất, kiến nghị từ 3 địa phương Đoàn 1 đã xem xét, giải đáp theo thẩm quyền trong buổi làm việc; những vấn đề vượt thẩm quyền, Đoàn ghi nhận và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Thông qua đợt khảo sát này, Sở Công Thương cũng lồng ghép thông tin những chính sách, văn bản mới có hiệu lực của ngành Công Thương, như: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15/8/2024 quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Trong những ngày tới, các Đoàn 2, Đoàn 3, và Đoàn 4 sẽ đến làm việc với các địa phương còn lại theo tinh thần Kế hoạch số 48/KH-SCT./.