Lượt xem: 441
Tiêu điểm của Báo cáo thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023

Tiêu điểm của Báo cáo thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 là phân tích các nguyên nhân gốc rễ, có tính thể chế và quản trị vùng của các thách thức và vòng xoáy đi xuống, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm khắc phục các bất cập về thể chế và quản trị vùng, nhờ đó mở ra tiền đề cho việc tháo gỡ một cách có hệ thống và hiệu quả các vòng xoáy đi xuống ở ĐBSCL.

    

Trước tiên, Báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi, mang tính thể chế, quản trị của từng lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể như sau: Lĩnh vực kinh tế có các nguyên nhân chủ yếu là: sứ mệnh an ninh lương thực; cơ cấu kinh tế lạc hậu; vốn đầu tư thấp; tăng trưởng thấp, không bền vững. Lĩnh vực xã hội có các nguyên nhân chủ yếu là: thiếu việc làm ở nông thôn; lao động trẻ di cư; nghèo kéo dài; trình độ, kiến thức, kĩ năng của nông dân thấp. Lĩnh vực môi trường có 4 nguyên nhân chủ yếu là: tác động từ thượng nguồn Mekong; suy giảm nguồn nước; chất lượng đất trồng suy giảm; biến đổi khí hậu.

    Để khắc chế các thách thức và vòng xoáy đi xuống của ĐBSCL do những nguyên nhân nêu trên, Báo cáo đã đưa ra 5 nhóm khuyến nghị để khắc phục, cụ thể là:

   * Nhóm khuyến nghị 1 là Sửa đổi Luật Đất đai: (1) Phân bổ lại đất đai hiệu quả hơn; (2) Giảm chi phí giao dịch (chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng và góp vốn bằng đất và việc bảo vệ quyền tài sản gắn liền với đất); (3) Không phân loại đất quá chi li và áp dụng quy tắc cứng nhắc cho từng loại đất (tăng tính khả thi và giảm chi phí giao dịch của việc chuyển đổi đất trồng lúa; tạo điều kiện và giảm chi phí giao dịch của tích tụ đất nông nghiệp; tăng mức độ chắc chắn về quyền sử dụng đất nông nghiệp; tăng khả năng và giảm chi phí giao dịch của việc tiếp cận đất của các nhà đầu tư; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp); (4) thống nhất các quy định pháp luật liên quan đến việc hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp (Luật đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu v.v.); (5) Minh bạch hóa thông tin thị trường đất nông nghiệp, hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai, đảm bảo quyền truy xuất minh bạch và công bằng giữa các bên có liên quan trong thị trường đất nông nghiệp.

* Nhóm khuyến nghị 2 là Tư duy mới về an ninh lương thực[1]: (1) chú trọng tới khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, khả năng chống chịu và thích nghi trước các cú sốc về kinh tế và môi trường; (2) địa phương chỉ phải giữ một diện tích đất trồng lúa đủ cho tiêu dùng nội địa và dự trữ/xuất khẩu, sau đó được chuyển đổi mục đích linh hoạt; (3) Giảm thâm canh lúa để giảm ô nhiễm môi trường nước, khôi phục chất lượng đất, giảm phát thải CO­2, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn; (4) Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

    * Nhóm khuyến nghị 3 là Quản trị và quản lý tài nguyên nước: (1) tôn trọng quy luật tự nhiên, coi nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là nguồn tài nguyên quý giá, hạn chế tối đa các giải pháp công trình; (2) đánh giá lại một cách căn bản về chiến lược và chính sách nông nghiệp của ĐBSCL để sử dụng tài nguyên đất và nước một cách bền vững trước khi quá muộn; (3) đưa nội các dung quản lý tài nguyên nước tại các lưu vực sông lớn vào Luật Tài nguyên nước nhằm tăng cường hợp tác giữa trung ương và các địa phương; (4) thành lập các Tổ chức lưu vực sông (RBO) theo Luật Tài nguyên nước sửa đổi với năng lực pháp lý, nhân lực và tài chính đủ mạnh; (5) Xây dựng, chia sẻ dữ liệu và thông tin liên quan đến nước một cách nhất quán, sử dụng thông tin này để cải thiện các chính sách về nước; (6) thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định và trong các khuôn khổ quản trị nước giúp điều hòa lợi ích và hóa giải xung đột giữa những bên sử dụng nước; (7) áp dụng cơ chế thị trường – Nước cần được công nhận như một hàng hóa có giá trị kinh tế.

    * Nhóm khuyến nghị 4 là Thể chế quản trị và điều phối vùng: (1) Cần xây dựng cơ chế tài chính Vùng (Tổ chức huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho Vùng theo đúng tiến độ của Quy hoạch vùng ĐBSCL; cơ chế huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách để phục vụ việc liên kết phát triển vùng từ khu vực tư nhân, FDI, ODA; Xây dựng Quỹ hỗ trợ nghiên cứu ĐBSCL; Xây dựng Quỹ phát triển kinh tế - xã hội vùng; Cụ thể hóa cơ chế ngân sách Trung ương hỗ trợ tối thiểu 10% tổng vốn đầu tư phát triển theo Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); (2) Cần một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu toàn diện, cập nhật và đáng tin cậy cho toàn vùng (làm cơ sở cho việc thiết kế, thực thi và đánh giá chính sách; theo dõi, đánh giá phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và toàn vùng; theo dõi, đánh giá tiến độ và kết quả triển khai Quy hoạch vùng; theo dõi, đánh giá tiến độ và kết quả triển khai các dự án liên kết vùng; cơ chế điều phối và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng); (3) Cần minh bạch về các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng điều phối vùng cũng như kết quả thực tế của hợp tác vùng (tiến độ, chất lượng, chi phí triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động v.v. của Vùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng trước và sau liên kết; đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước trước và sau liên kết; số km đường giao thông quốc lộ và liên tỉnh tăng thêm; chỉ số về chất lượng điều hành kinh tế, quản trị địa phương của vùng; số lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư liên tỉnh, vùng; CSDL chung về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng; Thành lập được hiệp hội doanh nghiệp chung của vùng v.v); (4) Thiết kế hệ thống khuyến khích phù hợp đối với chính quyền địa phương (Lãnh đạo địa phương không chỉ được đánh giá dựa vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội (GDP, ngân sách, đầu tư, giảm nghèo v.v.) mà còn về hợp tác và liên kết vùng; Để giảm tính cục bộ địa phương, tăng cường liên kết vùng, đồng thời góp phần cải cách hành chính, nên giảm số đầu mối của các cơ quan trung ương theo ngành dọc đóng tại địa phương (Kho bạc nhà nước, ngân hàng nhà nước, hay tòa án nhân dân, viện kiểm sát v.v. tổ chức lại theo vùng hay tiểu vùng? Cơ quan thống kê chung cho tiểu vùng hay toàn vùng?).

    * Nhóm khuyến nghị 5 là Hợp tác công tư và liên kết vi mô: (1) Khuyến khích các sáng kiến liên kết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện cụm ngành, và phát triển SX-KD cho Vùng; (2) Thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp và lập hạn mức tín dụng dành riêng cho khu vực DN và HTX nông nghiệp để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng; (3) Ổn định mối quan hệ giữa hộ nông dân và doanh nghiệp chế biến (sử dụng các cơ chế thực thi công bằng qua tòa án, trọng tài địa phương/khu vực; phát triển mô hình hợp tác để nông dân hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao vị thế thương lượng trong đàm phán hợp đồng với các công ty chế biến; doanh nhân hóa nông dân và kinh tế hóa nông nghiệp; Xây dựng chiến lược thương hiệu vùng thông qua hợp tác công tư và hiệp hội doanh nghiệp); (4) Quy hoạch các vùng nông nghiệp chuyên canh và “trung tâm đầu mối” để cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các dự án đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; (5) Thúc đẩy Hiệp hội doanh nghiệp phát triển để tăng cường liên kết dọc và liên kết ngang./.



[1] Tư duy an ninh lương thực thời gian qua là: chú trọng sản lượng và diện tích trồng lúa, giữ 3,5 triệu ha đất lúa đến năm 2030, ĐBSCL ≈ 50% diện tích; hệ lụy là: đặt nặng sản xuất nông nghiệp, do đó ban hành các thể chế và cơ sở hạ tầng thuận lợi cho sản xuất, tận khai tài nguyên, đầu tư công trình can thiệp vào tự nhiên. Tư duy mới về ANLT là tăng khả năng tiếp cận, tính sẵn có, chất lượng, an toàn, bền vững, chú trọng chất lượng, giá trị, an toàn, hướng đến phát triển nền kinh tế nông nghiệp; do đó, thể chế và CSHT theo hướng tạo thuận lợi cho thị trường, chỉ giữ diện tích đất lúa đủ cho tiêu dùng nội địa, linh hoạt mục đích cho phần còn lại, khai thác bền vững về đất, nước, sinh thái, theo nguyên tắc đầu tư không hối tiếc và thuận thiên.

 

Phương Lê
Thông báo













Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 22
    • Hôm nay: 569
    • Trong tuần: 1 355
    • Tất cả: 839858
    Bản quyền thuộc về "Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng"
    Địa chỉ: số 14 Châu Văn Tiếp, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng
    Điện thoại: (0299) 3822520 - Fax: (0299) 3826 430 - Email: soct@soctrang.gov.vn
    @ Ghi rõ nguồn "Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này.