Chiều ngày 10/01/2023, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Công Thương với sự tham dự của Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Lãnh đạo các phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện và Lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng. Đây là dịp để Lãnh đạo các cấp ngành Công Thương cùng nhau đánh giá những việc đã làm được trong năm qua, nhất là chiêm nghiệm những việc chưa làm được, để qua đó, rút tỉa những bài học sâu sắc, chắt lọc những kinh nghiệm quý giá, làm hàng trang cho chặng đường 12 tháng sắp tới của năm 2023 vừa đến.
Nhìn chung, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các chỉ tiêu ngành Công Thương đã đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm 2021, hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các con số sau đây sẽ minh chứng cho kết quả vô cùng ấn tượng của ngành Công Thương trong năm 2022.
Ước giá trị sản xuất công nghiệp là 25.158 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2021, ước chỉ tiêu Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 12% so với năm trước; chỉ tiêu này tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó, công nghiệp chế biến thuỷ sản và ngành may mặc là chủ lực.
Về chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội, năm 2022 ước đạt giá trị 71.029 tỷ đồng, tăng 37,46% so với năm 2021. Mức tăng này tăng mạnh so với năm 2021 chủ yếu do sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các cơ sở và nhu cầu tiêu dùng, vui chơi giải trí tăng, đồng thời do tăng giá một số nhóm hàng hóa.
Xuất khẩu năm nay vẫn tiếp tục giữa đà tăng trưởng tốt, ước 1.500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch, tăng 16,37% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu thủy sản ước 1.050 triệu USD (KH 950 triệu USD), đạt 110,53% kế hoạch, tăng 6,49% so với năm 2021; gạo ước 362 triệu USD, tăng 70%; hàng may mặc ước 85 triệu USD, tăng 41,7%. Xuất khẩu Sóc Trăng vững vàng đứng thứ vị trí thứ 5 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu như đã nêu trên, ngành Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh. Năm 2022, GRDP ước tăng 7,71%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây; trong đó, GRDP công nghiệp tăng 12,71%; GRDP thương mại dịch vụ tăng 11,56%. Rõ ràng, tăng trưởng của công nghiệp và thương mại-dịch vụ chính là yếu tố chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, cũng cần nhắc đến những vấn đề còn tồn tại, chưa làm được, đó là: (1) Đến hết năm 2022, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thành đi vào hoạt động; (2) toàn ngành đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công 7 dự án điện gió, hiện đã có 4 dự án đã hoàn thành thi công, nhưng các dự án chưa thể đưa vào vận hành thương mại, chưa tạo giá trị kinh tế, trong khi Kế hoạch năm 2022 là khởi công, thi công 05 dự án; (3) Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn chưa tái thi công. Những tồn tại nêu trên đã, đang và vẫn sẽ đặt ra bài toán khó cho năm 2023 đối với ngành Công Thương Sóc Trăng.
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 7,5%, với khu vực I tăng 3,58%, khu vực II tăng 17,3% và khu vực III tăng 7,41%. Như vậy, trọng trách tăng trưởng năm 2023 vẫn chủ yếu là khu vực II và Khu vực III. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, các chỉ tiêu đối với ngành Công Thương là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18%, đóng góp vào GRDP công nghiệp là 4.845 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 80.000 tỷ đồng, đóng góp GRDP thương mại là 15.220 tỷ đồng; và thu kim ngạch xuất khẩu về cho tỉnh 1,5 tỷ USD. Để thực hiện hoàn thành trọng trách đó, ngành Công Thương xác định sẽ tập trung một số nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết sau:
1. Hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng 3 cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và sớm thu hút, triển khai các dự án thứ cấp; kêu gọi đầu tư đối với 4 CCN khác (Ngã Năm, Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới).
2. Tranh thủ Bộ , ngành Trung ương để dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú thi công trở lại; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại (cuối năm 2023, lũy kế có 9 dự án điện gió vận hành thương mại 100% công suất và 4 dự án khởi công, thi công); và tranh thủ nguồn vốn của ngành điện để thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và phân phối, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
3. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư phát triển hệ thống thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, gắn với mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh. Tăng cường các hoạt động kích cầu thị trường nội địa, với việc triển khai tổ chức 46 hội chợ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử để có thêm nhiều kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường, tạo sức cầu ngày một lớn và ổn định đối với sản phẩm của tỉnh.
4. Tăng cường phổ biến các Hiệp định thương mại, các quy định xuất, nhập khẩu của các nước liên quan đến các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Triển khai nhanh các quy trình quản lý xuất, nhập khẩu nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, gạo, may mặc và các mặt hàng nông sản có tiềm năng.
Để ngành Công Thương hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, Sở Công Thương rất mong nhận được sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Sóc Trăng, của Bộ Công Thương, cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ngành, UBND cấp huyện và nhất là sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, hy vọng giải quyết, tháo gỡ dứt điểm những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện, để cùng nhau hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.