Diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Công Thương Việt Nam và quá trình phát triển Ngành Công Thương Sóc Trăng
Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đó đến nay, ngành Công Thương đã 11 lần chia tách, sáp nhập,
- Ngày 26/7/1960 – theo Lệnh số 18 của Chủ tịch Nước, ngành công thương được phân chia trong 5 Bộ, gồm Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương;
- Ngày 11/8/1969, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký Quyết nghị số 786, chia Bộ Công nghiệp nặng thành hai Bộ và một Tổng cục thuộc Hội đồng Chính phủ (Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Hoá chất);
- Ngày 22/11/1981,Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký Quyết nghị số 1236 chia Bộ Điện và Than thành hai bộ là Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than;
- Ngày 16/12/1987, Hội đồng Nhà nước ký Quyết định số 782 thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất 3 bộ, gồm Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực, và Thành lập Bộ Năng lượng;
- Ngày 28/6/1988 thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và Uỷ ban Kinh tế đối ngoại;
- Ngày 30/6/1990, Quốc hội thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở hợp nhất Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương;
- Năm 1991, Nghị quyết của Quốc hội đổi tên Bộ Thương nghiệp thành Bộ Thương mại và Du lịch.
- Năm 1992, Quốc hội quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó ngành Công Thương có Bộ Thương mại; Bộ Công nghiệp nặng; Bộ Công nghiệp nhẹ; Bộ Năng lượng; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm;
- Ngày 21/10/1995 thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ;
- Năm 1997, Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp
- Và đến ngày 31/7/2007 tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01 hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương cho đến nay.
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Ngành Công Thương Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của đất nước.
Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, với các phong trào thi đua của ngành Công Thương như: “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”...., cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bước vào thời kỳ hơn 35 năm đổi mới, ngành Công Thương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, với nhiều công trình công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực then chốt như: Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, các trung tâm điện lực, đường dây 500KV Bắc Nam, nhà máy lọc dầu Dung Quất, các tổ hợp khí - điện - đạm Nam Côn Sơn, Cà Mau, … đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế quốc dân, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước.
Hàng năm, ngành Công Thương Việt Nam đóng góp khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Đặc biệt là giai đoạn 2011 – 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ trung bình 14,6%/năm với thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt năm 2020, năm đại dịch Covid ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Phát huy truyền thống ngành Công Thương Việt Nam, trải qua gần 30 năm từ ngày tái lập tỉnh (tháng 04/1992), ngành Công Thương Sóc Trăng giữ đà tăng trưởng, là yếu tố chủ lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 1992, khu vực I (nông nghiệp) chiếm tỷ trọng khá cao, 68,30%, đến năm 2020 giảm còn 36,84%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) từ 9,68% tăng lên tăng lên 19,6%, và khu vực III (thương mại, dịch vụ) từ 22,02% tăng lên 43,56%.
Biểu đồ chuyển dịch cơ cấu của 3 khu vực kinh tế từ năm 1992 đến năm 2020
Rõ ràng, sự tăng trưởng của khu vực II (công nghiệp, xây dựng), và khu vực III (thương mại dịch vụ) đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, qua đó cho thấy những đóng góp tích cực của ngành Công Thương Sóc Trăng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Sau 13 năm từ khi được sáp nhập từ Sở Thương mại và Sở Công nghiệp thành Sở Công Thương theo Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 10/4/2008, ngành Công Thương ngày càng khẳng định vị thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều dự án, công trình được quan tâm thu hút đầu tư như nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, các dự án khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là hệ thống các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh theo xu hướng hiện đại; tổng mức vốn đầu tư toàn ngành Công Thương lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Giai đoạn 2008 – 2020, các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành Công Thương Sóc Trăng liên tục giữ đà tăng trưởng tốt so với khu vực và cả nước. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2008 – 2020, sản xuất công nghiệp Sóc Trăng tăng bình quân 10%/năm, Việt Nam tăng 9,1%/năm; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Sóc Trăng tăng bình quân 19%/năm, thì ĐBSCL tăng 16%/năm; Việt Nam tăng 15,9%/năm; và kim ngạch xuất khẩu Sóc Trăng tăng bình quân 9%/năm. Đặc biệt trong năm 2020, dù tình hình dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu của Sóc Trăng đã lập kỳ tích, lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,15 tỷ USD), vượt qua Cà Mau, Đồng Tháp, xếp thứ 5 vùng ĐBSCL; trong đó mặt hàng thủy sản đạt 838 triệu USD, tăng 28,7% và gạo đạt 167 triệu USD, tăng 87,6% so với năm trước.
Biểu đồ tốc độ tăng trưởng bình quân 3 chỉ tiêu công thương so với ĐBSCL và Việt Nam
Xét mức độ đóng góp của ngành Công Thương đối với kinh tế của tỉnh, số liệu thống kê cũng cho thấy, trong cơ cấu GRDP của tỉnh, năm 2008, giá trị công nghiệp, thương mại chiếm tỷ trọng 43%, thì đến năm 2020, giá trị công nghiệp, thương mại tăng lên 54%; GRDP Sóc Trăng giai đoạn 2008 – 2020 đạt mức tăng bình quân 8,9%/năm, thì GRDP từ ngành công nghiệp tăng 8%/năm và GRDP từ thương mại tăng 12,3%/năm.
Biểu đồ tỷ lệ đóng góp của các ngành trong GRDP của tỉnh
Những kết quả đạt được như đã nêu trên cho thấy vai trò, vị thế của ngành Công Thương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của tỉnh nhà.
Song song với những kết quả nổi bật như đã nêu trên, ngành Công Thương Sóc Trăng còn tập trung triển khai, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả trên một số lĩnh vực rất quan trọng của tỉnh như:
* Về công tác quy hoạch: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh, Sở Công Thương đã lập và được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt 9 quy hoạch ([1]), để làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại.
Đồng thời, ngành Công Thương hiện đang tiếp tục rà soát, đánh giá các quy hoạch của ngành để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung ở 3 lĩnh vực về phát triển công nghiệp, phát triển năng lượng và phát triển thương mại, để làm cơ sở tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển ngành Công Thương.
* Về phát triển công nghiệp: về phát triển cụm công nghiệp, theo Quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 794,03 ha; đến nay trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt thành lập 09 CCN (410,26 ha), phê duyệt Quy hoạch chi tiết 06 CCN; trong đó, có 1 cụm công nghiệp hoạt động (tỷ lệ lấp đầy là 46,71%); 3 cụm công nghiệp có chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật( Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp khác có tiềm năng.
Về cơ cấu các ngành công nghiệp, nhìn chung có sự chuyển biến tích cực, ngoài công nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực, các ngành công nghiệp sản xuất khác cũng hình thành và phát triển như: bia và nước giải khát, may mặc, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng và đặc biệt là ngành công nghiệp năng lượng. Số doanh nghiệp có bước phát triển dù số cơ sở nhỏ lẻ giảm, năm 2008 là 173 doanh nghiệp, 6.067 cơ sở, năm 2020 có 295 doanh nghiệp (thêm 122 doanh nghiệp, tăng 70%) và 4.792 cơ sở (giảm 1.095 cơ sở, bằng 18%), tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng gia dụng, công nghiệp may mặc và công nghiệp hóa chất (chủ yếu là phân bón) đang hoạt động.
* Công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp luôn được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2008 – 2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh giao triển khai thực hiện hoàn thành 283 đề án khyến công với tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 20 tỷ đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 80 tỷ đồng([2]).
Nhờ vào kết quả trên, sản xuất công nghiệp qua 13 năm liên tục giữ đà tăng trưởng bình quân 10%/năm.
* Về phát triển năng lượng: đây là lĩnh vực được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và được Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Về nhiệt điện: Sóc Trăng được quy hoạch hình thành Trung tâm nhiệt điện Long Phú với 03 nhà máy có tổng quy mô công suất 4.320 MW. Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang triển khai thi công, đạt 78% khối lượng; dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 và 3 đang được xem xét lựa chọn hà đầu tư.
Về điện gió: phát huy tiềm năng lợi thế tỉnh có 72 km bờ biển, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020 có 22 vị trí phát triển điện gió với tổng quy mô công suất tiềm năng 1.470 MW; theo đó, Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực được 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435MW. Đến nay, UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng công suất 1.095,2 MW, 04 dự án còn lại các nhà đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định để xin cấp chủ trương đầu tư; hiện đã khởi công, thi công 09 dự án, dự kiến vận hành thương mại trước 31/10/2021; các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành 2022 – 2023. Ngoài ra, Sở vẫn đang tiếp tục tham mưu tỉnh rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển để cập nhật vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 12.849 MW ( trong đó: điện gió trên bờ 10.849 MW, điện gió ngoài khơi 2.000MW).
Về điện mặt trời: theo Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ Công Thương thống nhất nội dung tại Công văn số 10694/BCT-ĐL ngày 27/12/2018) thì toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 17 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất 975MWp; đến nay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch nguồn điện cho 07dự án, tổng công suất 647 MWp và trình cập nhật Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 7.956 MWp. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tổ chức Hội thảo giới thiệu tiềm năng lợi thế về điện mặt trời của địa phương; kết quả tính đến hết tháng 12/2020 trên địa bàn tỉnh có 1.026 tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái, với tổng công suất trên 90 MWp. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện các dự án điện mặt trời nối lưới.
Về điện sinh khối: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có một Nhà máy điện bã mía Sóc Trăng công suất 12 MW đã đưa vào vận hành và đang thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Nhà máy điện trấu Sóc Trăng 25MW và dự án Nhà máy phát điện điện bằng chất thải rắn (điện rác) 15MW.
Về phát triển lưới điện: Sở Công Thương phối hợp cùng ngành điện tranh thủ các nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển các công trình lưới điện truyền tải và phân phối với tổng nguồn vốn trên 4.000 tỷ đồng điển hình các công trình như: các đường đây 110-220kV và trạm 110kV Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh Châu và Dự án cung cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer; Dự án cấp điện cho ấp An Tấn, An Công, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (cấp điện cho 02 ấp cuối cùng của tỉnh có lưới điện quốc gia); Dự án thành phần nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng; Dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Kết quả: Năm 2008 số hộ có điện từ 244.296 hộ tăng lên 375.239 hộ năm 2020, nâng tỷ lệ hộ có điện năm 2008 là 86,10% lên trên 98% vào cuối năm 2020. Trong giai đoạn năm 2008 - 2020 điện thương phẩm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,4%/năm. Góp phần đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản sản xuất và sinh hoạt của người dân.
* Về phát triển thương mại: Theo Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh dự kiến có 118 chợ (96 chợ kiên cố và bán kiên cố, 18 chợ tạm, 1 chợ đầu mối thủy sản, 1 chợ đầu mối nông sản, 1 chợ chuyên doanh nông sản, 1 chợ đầu mối trái cây). Giai đoạn 2008 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 50 chợ, di dời 4 chợ, nâng cấp 45 chợ và nâng cấp mở rộng 3 chợ với tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng; qua đó đã từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 124 chợ (trong đó 01 chợ hạng 1; 15 chợ hạng 2; 67 chợ hạng 3; 38 chợ tạm; 01 chợ nổi; 01 chợ đầu mối thủy sản và 01 chợ đêm); 02 trung tâm thương mại, 17 siêu thị, 70 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh. Số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng mạnh, năm 2008 là 585 doanh nghiệp, 21.703 cơ sở nhỏ lẻ và hộ kinh doanh, đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có trên 1.760 doanh nghiệp (gấp 3 lần) và trên 57.000 cơ sở nhỏ lẻ và hộ kinh doanh (gấp 2,7 lần). Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại (như siêu thị, trung tâm mua sắm) cùng với mạng lưới chợ ngày một khang trang đã giúp cho thị trường thông suốt và ổn định, hàng hóa ngày càng phong phú về qui cách, chủng loại và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Kết quả thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đến nay có 65/80 xã được công nhận đạt tiêu chí 7, chiếm 81,25% tổng số xã toàn tỉnh.
Nhờ vào kết quả trên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giữ vững tăng trưởng, từ năm 2008 là 12.337 tỷ đồng, đến năm 2020 là 87.857 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 7 lần sau 13 năm thành lập.
* Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng hàng năm, năm 2008 là 336 triệu USD, đến năm 2020 đạt 1.115 triệu USD, tăng trưởng gấp 3,3 lần về giá trị xuất khẩu; đặc biệt năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Sóc Trăng đứng thứ 5 vùng ĐBSCL (lần đầu tiên vượt qua Đồng Tháp và Cà Mau) và đạt mức tăng trưởng cao nhất vùng (tăng 29%); trong đó mặt hàng thủy sản đạt 838 triệu USD, tăng 28,7% và gạo đạt 167 triệu USD, tăng 87,6% so với năm trước. Tỷ trọng nhóm hàng chế biến, hàng giá trị gia tăng chiếm chủ yếu, thị trường xuất khẩu mở rộng với trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
* Hoạt động xúc tiến thương mại và thương mại điện tử có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Nhiều định hướng phát triển thương mại gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. Việc ứng dụng thương mại điện tử, trọng tâm là phát triển các sản phẩm thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, thiết kế website, tham gia các website sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh thị trường. Giai đoạn 2008 - 2020, tổ chức, tham gia hơn 200 sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước (như: tổ chức 205 kỳ hội chợ cấp tỉnh, huyện; vận động doanh nghiệp tham gia 77 kỳ hội chợ, 30 sự kiến giao thương kết nối ngoài tỉnh, với 376 lượt doanh nghiệp tham gia, ký kết 61 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 166 biên bản ghi nhớ hợp tác); tổ chức 46 lớp đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực xúc tiến thương mại và thương mại điện tử cho tỉnh, với tổng kinh phí hơn 08 tỷ đồng.
* Về công tác cải cách hành chính: đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã áp dụng hệ thông quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được chú trọng, với mục tiêu rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đến nay, đã có 30 TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết (giảm còn 124 ngày, so với 359 ngày quy định, tỷ lệ cắt giảm 65%); hiện Sở có 112 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 102 TTHC được thực hiện ở mức độ 3 và 4, chiếm tỷ trọng 90% số lượng TTHC.
* Về công tác đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực: qua 13 năm thực thi nhiệm vụ, tập thể ngành Công Thương Sóc Trăng đã không ngừng được củng cố, cả về chất lượng nhân lực, lẫn về hiệu quả của bộ máy. Từ 80 CCVC và người lao động, với trình độ chuyên môn là 52 đại học (tỷ lệ 65%), 4 cao đẳng (tỷ lệ 5%), 12 trung cấp (tỷ lệ 15%), đến nay, ngành Công Thương đã tinh gọn bộ máy, với tổng số 60 CCVC và người lao động, với trình độ chuyên môn là 6 thạc sĩ (tỷ lệ 10%), 48 đại học (tỷ lệ 80%), 2 cao đẳng, 4 trung cấp (10%).
Với sự quyết tâm, nỗ lực trong 13 năm qua, tập thể Sở Công Thương Sóc Trăng đã vinh dự 5 lần nhận cờ thi đua của Bộ Công Thương (năm 2010, 2014, 2016, 2019 và 2020), 1 lần nhận cờ thi đua của UBND tỉnh (năm 2013), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2012), 03 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng II, 05 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng III, 13 cá nhân và 1 đơn vị trực thuộc được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, cùng hơn 100 lượt cá nhân, 20 tập thể được tặng Bằng khen của Bộ Công Thương, Bằng khen của UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương khác. Sự khen ngợi của Nhà nước, của Chính phủ, của Bộ Công Thương và của UBND tỉnh đối với ngành Công Thương Sóc Trăng chính là sự ghi nhận quá trình đóng góp của cá nhân và tập thể Sở Công Thương trong 13 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là: công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là chưa làm tốt công tác dự báo, thông tin thị trường và hỗ trợ tìm đầu ra cho doanh nghiệp; công tác triển khai thực hiện quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp còn hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại tuy được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng chợ; một số chính sách đầu tư chưa đủ sức thu hút ảnh hưởng đến kết quả kêu gọi đầu tư; và trăn trở nhất là ngành Công Thương vẫn chưa thật sự là cầu nối để liên kết giữa người chăn nuôi, trồng trọt với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ.
Ngày nay, hội nhập kinh tế toàn cầu là xu thế tất yếu, vì vậy, Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng sẽ phải ngày một hội nhập sâu, rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương Sóc Trăng ắt sẽ thường xuyên ứng phó với những diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, như: áp lực cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp về lao động, hàng hóa và giá cả sẽ ngày càng khốc liệt; sự đào thải khắc nghiệt của kinh tế thị trường mà lợi thế luôn thuộc về các doanh nghiệp ở những quốc gia phát triển; sự tác động, ảnh hưởng nhau giữa các quốc gia có quan điểm chính trị khác nhau đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa và chính trị, xã hội; nhất là đại dịch Covid-19 đã, đang và vẫn sẽ diễn biến phức tạp, gây nguy hại khó lường cho nền kinh tế toàn cầu..., mà chịu bất lợi lớn vẫn là những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, trong đó có Việt Nam. Riêng với Sóc Trăng, tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa bão, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm gia tăng là những rủi ro khó lường cho nền kinh tế.
Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ và là năm đầu thực hiện kế hoạch năm năm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Với sự quyết tâm của tập thể ngành Công Thương Sóc Trăng, và nhất là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng rằng ngành Công Thương sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để thực hiện đạt được chỉ tiêu của ngành trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, tập thể ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị chủ yếu ngành Công Thương năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025, giữ vững đà tăng trưởng bình quân của chỉ tiêu Chỉ số sản xuất công nghiệp là 21%/năm, chỉ tiêu Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 10,8%/năm và chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu là 4,78%/năm.
Hai là tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đưa vào hoạt động; phấn đấu đến 31/10/2021 có ít nhất 8 dự án điện gió đưa vào vận hành, các dự án điện gió còn lại đưa vào vận hành năm 2022 – 2023, và 3 dự án Trung tâm nhiệt điện Long Phú đưa vào vận hành vào năm 2024 – 2025. Tiếp tục kêu gọi đầu tư lấp đầy CCN Ngã Năm, hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng CCN Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, đồng thời kêu gọi đầu tư các dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển, chuyển đổi mô hình khai thác, kinh doanh, phát triển chợ; kêu gọi đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại, phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi theo hướng hiện đại; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện dự án Chợ đầu mối Phường 8, thành phố Sóc Trăng.
Ba là tiếp tục rà soát đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực công thương, đề xuất các nội dung Phương án tích hợp chung vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại, qua đó góp phần thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu phát triển lĩnh vực công thương được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cho.
Bốn là đẩy nhanh tiến độ các trạm biến áp, các dự án truyền tải, trong đó tập trung hoàn thành đưa vào vận hành Dự án Trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối, các dự án đường dây 110kV Trần Đề - Sóc Trăng 2, Bạc Liêu – Vĩnh Châu, trạm 110kV Kế Sách và trạm 110kV An Nghiệp; tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương bổ sung danh mục đường dây và trạm biến áp 500kV vào Quy hoạch điện VIII, để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với ngành điện lực đảm bảo tiến độ các dự án lưới điện phân phối, nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Năm là tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng thực thi công tác cải cách hành chính, công tác thanh, kiểm tra, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, như Triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2020 – 2021 và chủ động cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của Sở Công Thương trong Bảng xếp hạng DDCI tỉnh Sóc Trăng; trong đó đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, thực hiện trên 100% TTHC ở mức độ 3 và mức độ 4. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức ngành Công Thương.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Sóc Trăng đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, nhiệm vụ của Ngành Công Thương Sóc Trăng là quản lý, điều hành hoạt động của ngành sao cho hiệu quả nhất để tham mưu tốt nhất cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành nói riêng để góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng nói chung trong những năm tới.
Nhân ngày kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành công thương, thay mặt Đảng ủy, BGĐ Sở và toàn thể CCVC-NLĐ ngành Công Thương Sóc Trăng, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đại biểu là Lãnh đạo Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ ngành Công Thương hoàn thành nhiệm vụ; cám ơn Quý doanh nghiệp đã chung sức vì sự phát triển của ngành Công Thương trong những năm qua./.
(1) Gồm: (1) Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; (2) Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; (3) Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; (4) Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 – Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 – Hợp phần Quy hoạch chi tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV (5) Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; (6) Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; (7) Quy hoạch hệ thống sơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Sóc Trăng đến năm2020; (8) Quy hoạch xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020;(9) Quy hoạch hệ thống cớ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
(2) Gồm: 20 đề án thông tin tuyên truyền; 03 đề án đào tạo nghề; 12 đề án nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, tập huấn khởi sự doanh nghiệp; 188 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy, thiết bị tiên tiên tiến vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất sạch hơn; 14 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tổ chức 02 đợt bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho 43 sản phẩm; 09 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp và 36 đề án nâng cao năng lực và tổ chức tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Tư vấn hỗ trợ cho 197 tổ chức, cá nhân trong việc lập dự án đầu tư, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới, báo cáo đầu tư thành lập cụm công nghiệp.