TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2023/NĐ-CP NGÀY 30/6/2023 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT THANH TRA
Để triển khai thực hiện tốt nội dung quy định pháp luật của Luật Thanh tra năm 2022. Ngày 07/12/2023 đội ngũ công chức Thanh tra Sở Công Thương đã tham dự Hội nghị Triển khai Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 trong ngành Thanh tra do Thanh tra tỉnh Sóc Trăng chủ trì phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra tổ chức.
Đ/c Nguyễn Việt Hoàn, Chánh Thanh tra tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đã triển khai một số nội dung mới trong Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, cụ thể như:
Với mục tiêu giúp cho hoạt động thanh tra hiệu lực, hiệu quả hơn, tăng cường tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng chuyên nghiệp hơn;
Đối với tổ chức, cơ quan thanh tra cần được sắp xếp đảm bảo đáp ứng quy định về tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết (như người đủ điều kiện là trưởng đoàn thanh tra; chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp thực hiện công tác giải quyết đơn thư; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…) để có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan; xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu thực tiễn và những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết;
Đối với nhân lực, số lượng biên chế hạn chế như hiện nay là một trong những rào cản lớn cho việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật mới về thanh tra, trong đó bao gồm các quy định về giám sát đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra…Nói cách khác, với số lượng biên chế hạn chế như hiện nay, cùng một lúc rất khó khăn để bố trí nhân lực đoàn thanh tra và nhân lực thực hiện các công việc khác phải hoàn toàn độc lập với đoàn thanh tra (giám sát, thẩm định…). Công chức, thanh tra viên cần chủ động và được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc, trách nhiệm lớn hơn và những tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật;
Đối với hoạt động thanh tra, cần có định hướng tăng cường hoạt động kiểm tra và thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và những yêu cầu khắt khe hơn đối với hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra (địa phương) cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và nguồn lực hiện có. Đồng thời, việc lựa chọn thanh tra hay kiểm tra đối với từng vụ việc, trường hợp cụ thể cũng cần được cân nhắc thấu đáo, cẩn trọng hơn.
Nghị định số 43/2023/NĐ-CP gồm có 10 chương với 70 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Thanh tra bao gồm:
- Điều 38 về Thanh tra viên;
- Điều 56 về Thanh tra lại;
- Điều 60 về Đoàn Thanh tra;
- Điều 79 về công khai kết luận thanh tra;
- Điều 87 về trưng cầu giám định;
- Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra;
- Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra;
- Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra;
- Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra;
- Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra./.